- Tin tức
- Chi tiết tin tức
Tin vui cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Sự thay đổi lịch sử có thể đẩy giá đồng Yên tăng
Đồng Yên có thể tăng giá trong thời gian tới
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 19/3 thông báo nâng các mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân lên 0-0,1%, thay vì mức âm 0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, Ngân hàng trung ương Nhật Bản nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 cơ quan này chấm dứt chính sách lãi suất âm. Dù vậy, mức lãi vẫn duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế mong manh.
Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
"Động thái này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Tuy nhiên, tác động thực tế lên nền kinh tế không nhiều. Lãi cho vay và mua nhà khó tăng mạnh", Izumi Devalier - Giám đốc nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Bank of America Securities nhận xét.
Phản ứng sau quyết dịnh của BOJ, đồng Yên đã giảm xuống còn 151 JPY đổi 1 USD - mức thấp nhất trong 4 tháng. Việc đồng Yên yếu đi cho thấy thị trường đã dự báo được quyết định của BOJ từ lâu và phản ánh vào tỷ giá trước đó. Vì thế, khi cơ quan này thực sự nâng lãi suất, giá yên không tăng mà còn giảm khi các nhà đầu cơ thực hiện chốt lời. Trước đó, đồng Yên đã tăng gần 8% so với đồng USD trong 2 tháng cuối năm 2023 trong bối cảnh thị trường kỳ vọng BOJ sẽ sớm tăng lãi suất.Giới phân tích dự báo đồng Yên sẽ sớm lấy lại đà tăng bởi động thái tăng lãi suất của một Ngân hàng trung ương thường sẽ thúc đẩy đồng tiền quốc gia đó tăng giá.Đồng Yên đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng đô la trong giai đoạn 2021 - 2023, mức mất giá mạnh hơn hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, khi BOJ giữ lãi suất cực thấp còn hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới liên tục tăng lãi suất. Lợi suất bên ngoài Nhật Bản cao hơn đã khiến đồng tiền nước này giảm giá. Tuy nhiên, diễn biến này có thể đảo chiều sau quyết định tăng lãi suất lịch sử của BOJ trong ngày 19/3.Khảo sát hồi cuối năm 2023 của Bloomberg cho thấy, các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ kỳ vọng chu kỳ giảm giá quá mức của đồng Yên trong 3 năm qua sẽ kết thúc vào năm 2024 khi BOJ tăng lãi suất trở lại trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed và ECB sẽ bước vào giai đoạn giảm lãi suất.Mức trung bình của các dự báo tổng hợp chỉ ra rằng đồng tiền của Nhật Bản sẽ mạnh lên mức 135 Yên đổi 1 USD vào cuối năm 2024 khi khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản thu hẹp.
Đồng USD liên tục tăng giá so với Yên Nhật trong giai đoạn 2021 - 2023 (Nguồn: Trading Economics)
Steven Barrow, người đứng đầu chiến lược G-10 tại Standard Bank có trụ sở tại London, nhận định đồng Yên sẽ tăng giá trong dài hạn. Ông cũng trích dẫn những thay đổi tích cực ở Nhật Bản bao gồm việc chấm dứt tình trạng giảm phát và thị trường chứng khoán hồi phục sẽ ảnh hưởng tích cực lên đồng tiền này.
Daisuke Karakama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Ngân hàng Mizuho, cũng dự đoán một đợt phục hồi và ước tính đồng Yên sẽ đạt khoảng 132 JPY/USD vào cuối năm 2024.
Yujiro Goto, người đứng đầu chiến lược FX Nhật Bản tại Nomura Securities, cho biết: "Fed và ECB có thể bắt đầu thực hiện cắt giảm lãi suất vào khoảng tháng 6, hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của đồng Yên. Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sẽ tạo cơ hội cho của đồng tỷ giá USD/JPY di chuyển về khu vực 130- 135 Yên đổi 1 USD, trong khi kịch bản nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm có thể hạn chế mức giảm của cặp tiền này xuống khoảng 140 Yên đổi 1 USD."
Người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ hưởng lợi nếu đồng Yên tăng giá
Với dân số già hoá nhanh, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - đang khát nhân lực nước ngoài hơn bao giờ hết, từ các ngành kỹ thuật, dịch vụ cho đến thu hoạch nông sản. Theo Nikkei Asia, lao động Việt Nam trong năm 2023 đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất ở Nhật.
Tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong 5 năm đã tăng 40,3%, đạt mốc 2,05 triệu người tính đến tháng 10/2023. Trong đó, lao động Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất, với 518.364 người.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, cùng với đà lao dốc so với USD, đồng Yên Nhật cũng đã mất gần 23% giá trị so với tiền Đồng của Việt Nam. Đồng Yên giảm giá không chỉ khiến người lao động Việt Nam tại Nhật Bản gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống như trước mà còn "bào mòn" số tiền họ chắt chiu gửi về quê nhà.
Đồng Yên mất giá mạnh so với VND trong giai đoạn 2021 - 2023 (Nguồn: Trading Economics)
Với triển vọng tích cực về việc chấm dứt chính sách lãi suất âm tại Nhật Bản, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản được cho là sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi này khi không chỉ có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi cao hơn khi gửi tiền ở Nhật mà còn có thu nhập cao hơn khi quy đổi về tiền Đồng nếu đồng Yên tăng giá.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng đang tập trung vào việc tăng lương cho người lao động như một yếu tố mới để hỗ trợ tiêu dùng. Theo đó, các nhà tuyển dụng Nhật Bản đang có xu hướng đưa ra mức lương cao hơn để tiếp tục thu hút người lao động nước ngoài.
Cụ thể, lương cơ bản hàng tháng cho các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài (với khoảng một nửa trong số đó đến từ Việt Nam), tăng 8% trong năm 2022, đạt 177.800 Yên (hay 1.200 USD, gần 30 triệu đồng).
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tăng hơn gấp đôi giới hạn tiếp nhận lao động có tay nghề cao trong giai đoạn 5 năm tới, từ năm tài khóa 2024. Theo đó, số lao động nước ngoài có tay nghề có thể tăng từ 345.000 người hiện nay lên 800.000 người nhằm giảm bớt áp lực thiếu lao động trong nước. Lao động có tay nghề sẽ được tuyển dụng theo 16 lĩnh vực, bao gồm cả 4 lĩnh vực mới bổ sung là: đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và chế biến gỗ.
Nguồn được lấy từ cafef, ngày 20/03/2024, link đến bài gốc: https://cafef.vn/tin-vui-cho-nguoi-lao-dong-viet-nam-tai-nhat-ban-mot-thay-doi-lich-su-co-the-giup-dong-yen-tang-gia-trong-thoi-gian-toi-188240320131852342.chn
- Chuyên tư vấn giới thiệu việc làm Xuất khẩu lao động Nhật Bản và việc làm trong nước.
----------------------------------- - VIETSEIKO - Khát vọng của bạn, tương lai của chúng ta
- Website: https://vietseiko.com
- Hotline: 090 397 2626 - (028) 3636.9996
- Email: cv@vietseiko.com
- Địa Chỉ: 108/17, Đường 79, phường Tăng Nhơn Phú B, Tp. Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh
Tin tức liên quan
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda tiếp tục nhắc lại lời hứa sẽ bàn bạc về tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ dự kiến diễn ra vào tuần tới. Đây là cam kết mà ông Ueda đã vài lần đưa ra trong những ngày gần đây, giúp thị trường dấy lên kỳ vọng về một động thái chính sách có thể sắp diễn ra.
“Nếu tình hình nền kinh tế và giá cả tiếp tục cải thiện trong năm nay, chúng tôi sẽ điều chỉnh mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất”, ông Ueda nói tại một cuộc gặp với lãnh đạo các chi nhánh khu vực của BOJ vào ngày 15/1.
Tuyên bố này của ông Ueda là sự nhắc lại những phát biểu mà ông và Phó thống đốc BOJ đã đưa ra trước đó trong tuần này rằng chủ đề tăng lãi suất chắc chắn sẽ được thảo luận tại cuộc họp ngày 23-24/1.
Những phát biểu nhưn vậy đã mang lại sự hỗ trợ cho đồng yên, đưa tỷ giá đồng tiền này so với USD lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên ngày 16/1, với 155,22 yên đổi 1 USD. Trước đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt cao nhất hơn 13 năm ở mức 1,255% trong phiên ngày 15/1.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất diễn ra vào tháng 12, BOJ giữ nguyên lãi suất chính sách. Sự “án binh bất động” này xuất phát từ việc giới chức BOJ muốn chờ cho tới khi có thêm bằng chứng về sự tăng trưởng tiền lương ở Nhật Bản và các chính sách của Mỹ trở nên rõ ràng hơn. Ngày 16/1, Thống đốc Ueda nhắc lại rằng đây là hai điểm quan trọng nhất khi đưa ra một quyết định tăng lãi suất tại BOJ.
Ông nói dường như đang có những bằng chứng tích cực cho thấy tiền lương sẽ tiếp tục tăng ở Nhật Bản, bao gồm phát biểu của các nhà điều hành doanh nghiệp và thông tin mà các chi nhánh của BOJ thu thập được qua các cuộc trò chuyện với doanh nghiệp trên toàn quốc. Theo báo cáo kinh tế khu vực mới nhất của BOJ, đã có thêm nhiều doanh nghiệp hiểu được sự cần thiết phải tiếp tục tăng lương cho người lao động, dù một số doanh nghiệp nhỏ còn thận trọng với việc này.
Sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới vào tháng 3 năm ngoái, BOJ có đợt tăng lãi suất thứ hai vào tháng 7, đưa lãi suất chính sách lên mức 0,25%. Sau đó, mức lãi suất này được duy trì cho tới nay. Trong cuộc họp vào tuần tới, BOJ dự kiến sẽ công bố dự báo mới về tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Trên thị trường tài chính, kỳ vọng về việc BOJ tăng lãi suất trong lần họp này đã tăng lên, nhưng vẫn có khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đợi đến tháng 3 mới hành động.
“Nếu đợi đến cuộc họp tháng 3 mới tăng lãi suất, BOJ có thể kiểm tra dữ liệu định lượng về cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân 2025, chứ không chỉ dữ liệu định tính. Tuy nhiên, nếu dựa vào cách truyền đạt thông tin của BOJ trước đây, có vẻ như lần này BOJ không nghĩ cần phải đợi lâu đến thế trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất tiếp theo”, nhà kinh tế Yusuke Matsuo của công ty Mizuho Securities nhận định trong một báo cáo.
Theo giới phân tích, trở ngại ở thời điểm hiện tại đối với một động thái tăng lãi suất của BOJ là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra tuyên bố gì về thuế quan sau lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1 và sự phản ứng của thị trường với tuyên bố đó.
Ngân hàng UBS dự báo BOJ sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 0,5% vào tuần tới trừ phi ông Trump gây ra một cú sốc trên thị trường. UBS cũng cho rằng trong các cuộc họp vào tháng 7 và tháng 12 năm nay, BOJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
“Dĩ nhiên, nếu thị trường tài chính sụt giảm ở mức độ hoảng loạn sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1, BOJ khó có thể tăng lãi suất và sẽ phải chờ ít nhất thêm một cuộc họp nữa. Nhưng theo dự báo của chúng tôi ở thời điểm hiện tại, sẽ không có cú sốc lớn nào xảy ra sau ngày 20/1”, nhà kinh tế Masamichi Adachi của UBS nhận định trong một báo cáo.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Đồng yên lên cao nhất 1 tháng sau tín hiệu tăng lãi suất từ Thống đốc BOJ?
Báo:baovneconomy
Ngày: 17/01/2025
Link đến bài gốc: Đồng yên lên cao nhất 1 tháng sau tín hiệu tăng lãi suất từ Thống đốc BOJ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Ngày 13/1, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tuyên bố đẩy nhanh nỗ lực phục hồi nền kinh tế vùng và giải quyết tình trạng tập trung dân cư quá mức ở thủ đô Tokyo và các khu đô thị khác trong chiến dịch cải tổ đất nước.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. (Nguồn: Asia Financial) |
---|
Trong cuộc họp báo đầu tiên của năm mới ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh việc cải tổ mạnh mẽ sẽ góp phần bảo đảm tương lai cho quốc gia Đông Bắc Á này. Trong số các đề xuất gồm có việc tạo lập hệ thống “cư trú kép” mới nhằm hỗ trợ các viên chức trẻ sinh sống và làm việc ở nhiều nơi, nhấn mạnh rằng khu vực công nên đi đầu trong giải quyết vấn đề tập trung dân số quá mức.
Thủ tướng Ishiba phác thảo kế hoạch chuyển một số chức năng của chính quyền trung ương sang các khu vực địa phương, vì các văn phòng của bộ và cơ quan chủ yếu nằm ở Tokyo. Ngoài ra, ông nhấn mạnh khu vực tư nhân cần tham gia vào sáng kiến bảo đảm phát triển bền vững của kinh tế địa phương.
Ông cam kết xây dựng môi trường thuận lợi cho thành lập công ty khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích các công ty hiện tại chuyển trụ sở chính về các khu vực ngoài Tokyo.
Tình trạng tập trung dân số quá mức là vấn đề nghiêm trọng đối với Nhật Bản - quốc gia đang đối mặt tình trạng dân số già hóa và suy giảm. Theo dữ liệu của chính phủ, 47 tỉnh trên cả nước đều ghi nhận sự sụt giảm dân số khi lượng người di cư tăng mạnh. Tuy nhiên, Tokyo là một trong những trường hợp ngoại lệ đi ngược lại xu hướng này.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Chiến lược cải tổ đất nước của Thủ tướng Nhật Bản: Thay đổi sẽ bắt đầu từ đâu?
Báo:baoquocte
Ngày: 13/01/2025
Link đến bài gốc: Chiến lược cải tổ đất nước của Thủ tướng Nhật Bản: Thay đổi sẽ bắt đầu từ đâu?
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Diễn ra chỉ bốn ngày một năm, mỗi ngày đón tới 200.000 lượt khách, phiên chợ Boro-ichi hơn 400 năm tuổi ở Setagaya là sự kiện mà cộng đồng địa phương luôn háo hức đón chờ. Ngoài việc được lạc vào thế giới của những món đồ cũ, khi đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu thêm về tinh thần mottainai và văn hóa đồ cổ của người Nhật. Phiên chợ Boro-ichi gần nhất sẽ diễn ra vào ngày 15-16/01 này, đừng bỏ lỡ nhé!
Tại Nhật Bản, những món đồ cổ, đặc biệt là đồ thủ công truyền thống đóng vai trò như một báu vật gia truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chẳng hạn kimono sẽ được người mẹ sử dụng và bảo quản thật cẩn thận để sau này truyền lại cho con gái.
Với người Nhật, một món đồ được đánh giá cao không chỉ ở vẻ đẹp mà còn bởi thời gian, ký ức chúng đã trải qua cùng người chủ. Thậm chí trước khi đến tay người sử dụng thì tinh thần và suy nghĩ của người thợ thủ công làm ra món đồ cũng đã được chứa đựng bên trong nó.
Bên cạnh đó, “mottainai” – khái niệm quen thuộc chỉ việc trân trọng mọi vật xung quanh mà không lãng phí bất kỳ điều gì cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ của người Nhật với đồ cũ. Người xưa có câu “小豆3粒包める布は捨てるな” (Chớ bỏ đi mảnh vải gói vừa ba hạt đậu), chính là thể hiện tinh thần này.
Ngày nay, săn lùng đồ cũ đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Kết hợp với “văn hóa đồ cũ” lâu đời và tính thẩm mỹ độc đáo, Nhật Bản chính là thiên đường cho những ai sở hữu niềm đam mê này.
Tại Tokyo có vô số cửa hàng đồ cũ, mỗi tuần cũng luôn có một vài phiên chợ đồ cũ nào đó được tổ chức. Nổi bật trong số đó là Setagaya Boro-ichi – phiên chợ đã được Chính quyền Tokyo chỉ định là Tài sản văn hóa dân gian phi vật thể vì ý nghĩa văn hóa, lịch sử đặc biệt.
Lịch sử của phiên chợ Boro-ichi
Setagaya Boro-ichi (世田谷ボロ市), thường gọi ngắn gọn là Boro-ichi, là chợ trời được tổ chức định kỳ hai lần một năm vào các ngày 15 – 16 tháng 12 và 15 – 16 tháng 1. Mỗi phiên họp chợ có khoảng 700 gian hàng tham gia, tập trung ở Phố Boro-ichi ngay phía trước di tích lịch sử Setagaya Daikan Yashiki (văn phòng của “Daikan” – chức vụ tương đương thống đốc vào thời Edo).
Lịch sử của phiên chợ này bắt đầu vào thời Azuchi-Momoyama, cụ thể là năm 1578 khi lãnh chúa lâu đài Odawara là Ujimasa Hojo cho tổ chức họp chợ tại đây. Bấy giờ chợ có tên là Rakuichi, diễn ra 6 lần mỗi tháng và là nơi người dân được miễn thuế thị trường, tự do mua bán sản phẩm.
Sau khi gia tộc Hojo thất bại dưới tay Toyotomi Hideyoshi, Rakuichi cũng mất đi sự nhộn nhịp vốn có. Người dân vẫn duy trì truyền thống này nhưng giảm xuống chỉ còn một lần họp chợ vào cuối năm, với những sản phẩm như nông cụ và đồ trang trí năm mới được bày bán.
Đến những năm 1890, vải cũ và quần áo cũ trở thành mặt hàng phổ biến nhất tại phiên chợ, khiến biệt danh “Boro-ichi” ra đời rồi dần dà trở thành tên gọi chính thức. Phiên chợ lúc bấy giờ cũng được tổ chức thành hai đợt như hiện nay. Và đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc liệu “Boro-ichi” là gì.
“Boro” trong tiếng Nhật có nghĩa là vải vụn đã cũ hoặc sờn rách, còn "ichi" là chợ, như vậy có thể hiểu "Boro-ichi" (ボロ市) chính là “chợ bán vải cũ”.
Vào thời bấy giờ, nông dân thường mua những mảnh vải cũ này về để may quần áo lao động hoặc bện dép waraji vải thay vì dùng rơm. Đối với nhà nông, làm dép waraji là một công việc phụ để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, đặc biệt là trong mùa đông.
Người ta nói rằng số lượng sạp hàng của Boro-ichi duy trì từ 800 - 900 từ thời Taisho đến thời Showa và đạt tới 2.000 gian vào thời kỳ đỉnh cao.
Có gì tại Boro-ichi?
Trước tiên có một lưu ý rằng nếu bạn ngại chỗ đông người, có lẽ nên cân nhắc kỹ về ý định ghé thăm Boro-ichi. Với lượng khách trung bình khoảng 200.000 người mỗi ngày, dù đến sớm vào buổi sáng thì phiên chợ cũng đã khá đông đúc. Vào giờ cao điểm tầm trưa, lượng người đổ về sẽ chật kín lối đi khiến việc di chuyển trở nên khó khăn, có lúc bạn sẽ thấy mình bị cuốn theo dòng người mà không thể đi theo ý mình.
Nếu bạn không phiền điều này và là một người đam mê đồ cổ, muốn trải nghiệm văn hóa chợ trời Nhật Bản, Boro-ichi sẽ cho bạn nhiều bất ngờ thú vị.
Tại đây vẫn có quần áo và vải vóc cũ, bao gồm cả kimono và obi... như phiên chợ thời xưa, nhưng số loại mặt hàng thì rất đa dạng, từ gốm sứ, trang sức, sách báo, bàn thờ, phụ kiện cho đến cả những món đồ cổ hiếm có khó tìm.
Và cũng như bất kỳ một phiên chợ đồ cũ nào, bạn sẽ có cơ hội săn được một vài món hời nếu may mắn (và biết cách). Những món đồ này cũng có thể trở thành món quà lưu niệm thú vị cho chuyến đi.
Và mặc dù các gian đồ cũ là chủ đạo nhưng nhiều mặt hàng thiết thực như đồ ăn thức uống, cây trồng ngày nay cũng xuất hiện tại phiên chợ. Cùng với đó là các gian hàng bán đồ mới, đặc biệt là các sản phẩm thủ công như hộp bento gỗ, đũa và nhiều phụ kiện, trang phục khác nhau.
Chưa hết, Boro-ichi cũng nổi tiếng với một đặc sản có tên là Daikanmochi – bánh mochi phủ một trong ba loại topping đậu đỏ, bột đậu nành, củ cải bào, chỉ được bán vào ngày họp chợ. Thông thường sẽ mất đến một tiếng hoặc thậm chí hơn cho việc xếp hàng, vì vậy bạn nên cân nhắc tùy theo quỹ thời gian của bản thân.
Ngoài ra cứ 5 năm một lần, tại đây sẽ đồng thời tổ chức “lễ diễu hành Daikan” (代官行列), tái hiện cuộc tuần tra của Daikan trong thời Edo để duy trì trật tự công cộng. Lần gần nhất sự kiện này được tổ chức là vào phiên chợ cuối năm 2022, đầu năm 2023 nên nếu không có gì thay đổi, bạn có thể chiêm ngưỡng lễ diễu hành trong phiên chợ cuối năm 2027 và đầu năm 2028.
Sau khi trải nghiệm bầu không khí độc đáo và mua sắm tại Boro-ichi, khu vực lân cận vẫn còn rất nhiều điều để dành thời gian khám phá. Nếu bạn muốn tiếp tục hành trình “săn” đồ cũ, đặc biệt là quần áo cũ, có thể bắt tàu đến Shimokitazawa. Nơi đây cũng không thiếu những nhà hàng, quán cà phê độc đáo, là địa điểm ghé thăm thường xuyên của giới trẻ Nhật Bản.
Hoặc từ Boro-ichi, chỉ cần đi bộ 15 phút là bạn sẽ đến được Gotokuji – ngôi chùa nổi tiếng với những tượng mèo chiêu tài. Khu phố từ chùa đến Ga Gotokuji rất yên tĩnh và phảng phất nét hoài cổ với nhiều quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng lưu niệm dễ thương, một số còn lấy chủ đề mèo. Đây sẽ là nơi lý tưởng để bạn thư giãn và nạp năng lượng nếu cảm thấy “tụt pin” sau khi tham gia vào phiên chợ đông đúc.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Phiên chợ Boro-ichi và tình yêu của người Nhật với đồ cũ ?
Báo:baokilala
Ngày: 14/01/2025
Link đến bài gốc: Phiên chợ Boro-ichi và tình yêu của người Nhật với đồ cũ | KILALA
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Trong bài phát biểu thông lệ đầu năm mới trên sóng truyền hình, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru khẳng định thông điệp về quyết tâm của Chính phủ nhằm mang lại cuộc sống phồn vinh và tràn ngập nụ cười cho mọi người dân. Thủ tướng Ishiba kỳ vọng năm 2025 sẽ tái hiện thời kỳ “Bùng nổ kinh tế Izanagi” cách đây tròn 60 năm, một giai đoạn Nhật Bản tràn đầy năng lượng và sức sống.
Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN) |
---|
Nội các của Thủ tướng Ishiba Shigeru mới đây đã thống nhất dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2025 (bắt đầu từ tháng 4) cao kỷ lục, trị giá hơn 115.000 tỷ yen, tương đương hơn 732 tỷ USD.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế số 2 châu Á được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mức vừa phải (1,5%) trong năm 2025, nhờ chính sách tăng lương thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giảm áp lực lạm phát và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực chiến lược như số hóa, phi các-bon hóa và cải thiện năng suất.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 39.000 tỷ yen cho năm tài khóa 2024, kéo dài đến tháng 3/2025. Phạm vi gói kích thích bao gồm trợ cấp nhằm giảm chi phí năng lượng trong quý I/2025 và các khoản hỗ trợ tiền mặt một lần dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp, qua đó góp phần thúc đẩy tiêu dùng, yếu tố chiếm hơn 50% GDP của đất nước này.
Trong năm 2024, các doanh nghiệp tại Nhật Bản đã đồng ý tăng lương trung bình 5,1%, mức cao nhất trong 33 năm qua. Để duy trì động lực này, Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Rengo) đặt mục tiêu yêu cầu tăng lương ít nhất 5% vào năm 2025, nhất là hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi chiếm khoảng 70% lực lượng lao động tại quốc gia Đông Bắc Á.
Chỉ số chứng khoán Nikkei, đại diện cho thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa phiên cuối năm với mức tăng hằng năm cao nhất trong lịch sử, tăng 19% so với năm 2023. Trong năm 2024, chỉ số Nikkei đã phá vỡ kỷ lục từ năm 1989 là 42.224,02 điểm, trước khi “hạ nhiệt” và chốt phiên giao dịch cuối năm ngày 30/12 ở mức 39.894,54 điểm.
Ghi nhận những tín hiệu khả quan, song nền kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt nhiều rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế. Nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities Kobayashi Shunsuke cảnh báo, nếu xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khác, các doanh nghiệp có thể phải cắt giảm đầu tư và hạn chế tăng lương, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Ishiba cam kết thúc đẩy ba chính sách quan trọng với gói ngân sách tài khóa năm 2025, gồm giải quyết các thách thức về ngoại giao và an ninh, khôi phục sức sống trên toàn Nhật Bản và tăng cường khả năng ứng phó với các vấn đề trị an, phòng chống thiên tai.
Cuối tháng 12/2024, Chính phủ Nhật Bản thông báo tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 8.700 tỷ yen (55 tỷ USD) cho năm tài khóa 2025, chú trọng cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho nhân viên Lực lượng Phòng vệ quốc gia (SDF), qua đó nâng cao năng lực quốc phòng.
Nhật Bản sẽ tăng thêm ngân sách thành lập Cục Phòng chống thiên tai vào năm 2026, bên cạnh những nỗ lực bảo vệ đời sống người dân trước các loại tội phạm nghiêm trọng.
Nhấn mạnh Nhật Bản đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng âm thầm” là sự suy giảm dân số nghiêm trọng, làm suy yếu năng lượng phát triển của các địa phương và nền kinh tế, Thủ tướng Ishiba phát động chương trình “Tái thiết địa phương 2.0” nhằm cân bằng sự tập trung quá mức tại các đô thị như Tokyo, thông qua tăng cường liên kết giữa các vùng, địa phương. Chính phủ Nhật Bản chú trọng tăng lương và thúc đẩy đầu tư trong nước để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Dự thảo ngân sách của Chính phủ Nhật Bản vẫn cần vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu năm nay tại Hạ viện, khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru không chiếm đa số và buộc phải đàm phán với các đảng đối lập để giành đủ sự ủng hộ, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “mang lại cuộc sống phồn vinh và tràn ngập nụ cười cho mọi người dân”.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Chính phủ Nhật Bản tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế ?
Báo:baonhandan
Ngày: 13/01/2025
Link đến bài gốc: Chính phủ Nhật Bản tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Chiều 8/1, tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu đang thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản hỗ trợ tài chính, thúc đẩy ODA thế hệ mới dành cho Việt Nam để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược mang tính thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.
Hoan nghênh đoàn công tác của Bộ Tài chính Nhật Bản sang thăm Việt Nam, khẳng định quan hệ hợp tác tài chính là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Nhật Bản đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ tài chính hiệu quả để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô, có tính lan tỏa lớn.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn cho phát triển, triển khai các dự án với tốc độ nhanh và hiệu quả, do đó, đề nghị phía Nhật tiếp tục hỗ trợ tài chính, thúc đẩy ODA thế hệ mới dành cho Việt Nam phù hợp tình hình hiện nay với lãi suất ưu đãi, cơ chế đơn giản, thủ tục linh hoạt, triển khai nhanh để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược mang tính thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điện hạt nhân, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Cùng với đó, tiếp tục hợp tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số dự án lớn; thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, trao đổi các mặt hàng có thế mạnh của hai bên; hợp tác giữa các địa phương; hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ…
Bộ trưởng Kato Katsunobu đánh giá cao tình cảm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính dành cho Nhật Bản và những đóng góp quan trọng của Thủ tướng với quan hệ song phương. Bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định sẽ tích cực ủng hộ, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, nhất là những nội dung mà Thủ tướng đã đề cập.
Bộ trưởng Kato Katsunobu đề nghị hai bên cùng nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án đã có và triển khai các dự án mới; khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ Nhật Bản và trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản về hợp tác với Việt Nam trong các dự án hạ tầng chiến lược.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản ?
Báo:baohanoionline
Ngày: 10/01/2025
Link đến bài gốc: Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Trong bối cảnh ngày càng khó tuyển nhân viên trẻ, nhiều công ty Nhật tiếp cận sinh viên trước khi họ tốt nghiệp với đề nghị làm việc kèm theo nhiều phúc lợi như trợ cấp nhà ở, phiếu giảm giá mua sắm, trả giúp khoản vay sinh viên...
Năm 2022, chỉ 9,4% dân số Nhật nằm trong độ tuổi từ 15-24 - Ảnh: Reuters
Ryosuke Yamamoto đang có cuộc sống trong mơ. Chỉ với khoảng 25.000 yên (160 USD) mỗi tháng, thanh niên 25 tuổi đang làm việc tại công ty bảo hiểm Nippon Life Insurance này thuê được một căn phòng đơn có bếp và phòng tắm khép kín tại ký túc xá của công ty. Nơi này nằm ngay trung tâm thủ đô Tokyo và chỉ cách văn phòng 20 phút đi tàu điện.
Vào các đêm thứ Sáu, Yamamoto vui chơi cùng đồng nghiệp tại khu vực chung của ký túc xá, chơi video games trên TV màn hình rộng và uống bia mua từ máy bán hàng tự động. Chi phí đỗ xe và tiện ích khác đã bao gồm trong giá thuê phòng, nên Yamamoto dành được nhiều tiền cho các thú vui khác như thường xuyên chơi golf cùng bạn bè. Tháng 10 năm ngoái, anh đã đi du lịch ở Italy.
“Phúc lợi của công ty rất tuyệt, giúp tôi có thể dành tiền chi tiêu vào những thứ khác”, Yamamoto, bắt đầu làm việc tại Nippon Life Insurance vào năm 2022 sau khi tốt nghiệp ngành luật và khoa học chính trị. Hiện anh làm trợ lý giám đốc tại phòng phát triển nguồn nhân lực.
CUỘC ĐUA PHÚC LỢI
Trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu lao động trầm trọng do già hóa dân số và nhiều yếu tố khác, các doanh nghiệp như Nippon Life đang tung ra nhiều phúc lợi hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân sự trẻ. Công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản đã xây một khu ký túc xá cho nhân viên nam quy mô 200 phòng tại khu vực trung tâm gần công viên Tokyo Disneyland vào năm 2023. Nhân viên công ty sống tại đây chỉ phải trả giá thuê thấp hơn 2/3 so với giá thuê nhà trong khu vực. Công ty này cũng thuê các chung cư khác để cung cấp chỗ ở giá rẻ cho nhân viên nam.
Ký túc xá 200 phòng gần trung tâm Tokyo của Nippon Life - Ảnh: Nippon Life
Theo một nghiên cứu của tổ chức độc lập Recruit Works Institute, với tỷ lệ sinh liên tục giảm, lượng lượng lao động tại Nhật được dự báo sẽ giảm nhanh từ năm 2027. Tới năm 2040, nước này có thể thiếu hơn 11 triệu lao động.
Dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy trong 3 thập kỷ qua, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 20-24 tại nước này đã giảm 36% xuống còn 4,7 triệu người vào năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt do thiếu nhân lực, các doanh nghiệp tìm cách săn đón sinh viên đại học nhiều tháng trước khi họ tốt nghiệp. Theo dự cáo của viện nghiên cứu Shushoku Mirai Kenkyusho, hơn 40% sinh viên Nhật Bản dự kiến tốt nghiệp vào tháng 3/2025 đã có ít nhất một lời mời làm việc toàn thời gian. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2016.
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang trong cuộc chiến giữ chân người lao động. Dù theo truyền thống từ xưa tới nay, người lao động tại Nhật thường dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại một công ty, nhưng gần 35% người trẻ tốt nghiệp năm 2021 đến nay đã nhảy việc sau ba năm gắn bó tại một công ty – theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
“Cuộc đua không chỉ dừng lại ở việc đưa ra lời mời làm việc. Chúng tôi phải liên tục cho ứng viên thấy chúng tôi muốn họ đến mức nào và công ty của chúng tôi hấp dẫn ra sao”, ông Yuichi Shimada, Phó tổng giám đốc bộ phận phát triển nguồn nhân lực của Nippon Life. Shimada, cho biết. “Các sinh viên mới tốt nghiệp thường có 5-10 lời mời làm việc và họ thường ra quyết định vào phút chót. Ngày càng khó để giành được họ”.
Trên thực tế, các ký túc xá doanh nghiệp và nhà ở trợ giá dành cho gia đình nhân viên ở Nhật đã có từ lâu. Nhưng các hình thức nhà ở nhà bắt đầu giảm dần sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 1990 khi các công ty cố gắng giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro bất động sản mất giá trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Nhân lực Quốc gia Nhật Bản, vào năm 2022, chỉ có gần 42% doanh nghiệp cung cấp loại hình nhà ở như vậy, giảm so với tỷ lệ gần 64% năm 2004.
Theo khảo sát của Mitsubishi UFJ Trust & Banking Corp, hiện tại, ngày càng nhiều công ty đang cân nhắc tăng cường cung cấp chỗ ở như vậy cho nhân viên để thu hút nhân tài từ các khu vực xa xôi của đất nước.
Công ty thương mại Itochu Corp. đã có 4 ký túc xá nhân viên tại các địa điểm khác nhau trước xây một ký túc xá mới tại thành phố Yokohama vào năm 2018, dành cho tất cả nhân viên nam trẻ. Cơ sở mới này chỉ cách văn phòng chính của công ty tại Tokyo 30 phút đi tàu, phục vụ bữa sáng và bữa tối hàng ngày. Tại đây cũng có một quán cà phê và phòng xông hơi. Itochu có kế hoạch mở thêm một ký túc xá dành cho nhân viên nữ vào năm 2025.
Còn công ty sản xuất linh kiện điện tử TDK Corp., đã xây xong một ký túc xá tại tỉnh Akita, phía Bắc Nhật Bản, vào năm 2024.
VẤN ĐỀ SỐNG CÒN
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2022, chỉ 9,4% dân số Nhật nằm trong độ tuổi từ 15-24. Tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 10,4%, Anh là 11,7% và Mỹ là 13,3%.
“Việc tuyển dụng nhân sự trẻ tại Nhật đặc biệt khó khăn. Xu hướng này được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi dân số tiếp tục già đi, trong khi tỷ lệ sinh không những không tăng mà còn giảm”, ông Rachna Ratra, giám đốc công ty tuyển dụng Robert Walters tại Tokyo, cho biết.
Với nhiều công ty, đặc biệt là công ty vừa và nhỏ, đây là vấn đề sống còn. Trong giai đoạn từ tháng 3-9/2024, Nhật Bản ghi nhận số lượng doanh nghiệp phá sản cao nhất kể từ năm 2013. Trong số 4.990 doanh nghiệp phá sản giai đoạn này, 163 công ty cho biết khó khăn về nhân lực là lý do khiến họ sụp đổ - theo dữ liệu từ Teikoku Databank.
Cạnh tranh gay gắt đến mức một số công ty cung cấp phúc lợi cho sinh viên mới tốt nghiệp kể cả trước khi họ vào làm việc. Alsok, nhà cung cấp dịch vụ an ninh có trụ sở tại Tokyo, cung cấp cho nhân viên tương lai phiếu giảm giá để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn và quán karaoke kèm theo lời mời làm việc.
“Dù sinh viên nhận được nhiều đề nghị làm việc, họ chỉ có thể lựa chọn một”, ông Takayuki Ohno, giám đóc bộ phận tuyển dụng của Alsok, cho biết. “Chúng tôi cần phải làm hết sức để trở thành công ty đó”.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều công ty thu hút nhân sự bằng cách giúp họ trả khoản vay sinh viên. Theo số liệu từ Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, số lượng công ty có hỗ trợ như vậy đã tăng gấp đôi trong năm qua lên 2.600.
Tokyo Energy & Systems Inc., công ty xây dựng nhà máy điện, trả thêm cho nhân viên 20.000 yên mỗi tháng để họ trả khoản vay sinh viên, với tổng số tiền tối đa là 3,6 triệu yên (22.800 USD).
“Sự hỗ trợ đó thực sự là nhân tố quyết định khiến tôi vào làm việc tại công ty này”, Hideo Neshiro, người vừa tốt nghiệp đại học năm 2024 và có 5 lời mời làm việc trước khi quyết định đầu quân cho Tokyo Energy, chia sẻ. Thanh niên 23 tuổi này kỳ vọng sẽ làm việc tại đây cho tới khi nghỉ hưu.
Cuộc đua thu hút nhân lực đang bất bắt đầu mở rộng sang chiến địa tiền lương, sau nhiều thập kỷ giảm phát khiến mức lương tại Nhật thấp hơn đáng kể so với tại các nền kinh tế lớn khác. Năm 2023, mức lương bình quân tại nước này là 46.792 USD, so với 80.115 USD tại Mỹ và 57.617 USD tại Anh – theo dữ liệu mới nhất từ OECD.
Do lạm phát tăng lên và thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, mức lương tại Nhật đang bắt đầu tăng lên. Nippon Life dự kiến tăng lương cho nhân viên kinh doanh thêm khoảng 6% trong năm tới, còn Tokyo Energy đang cân nhắc nâng mức lương cơ sở sau cuộc đàm phán lương vào mùa xuân.
“Tuyển dụng người trẻ là vấn đề lớn nhất tại công ty chúng tôi”, ông Takashi Imai, giám đốc nhân sự của Tokyo Energy, cho biết. “Ngày càng nhiều công ty phá sản do không tăng lương và không tuyển đủ nhân sự”.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Doanh nghiệp Nhật tìm đủ cách tuyển lao động trẻ ?
Báo:baovneconomy
Ngày: 08/01/2025
Link đến bài gốc: Doanh nghiệp Nhật tìm đủ cách tuyển lao động trẻ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam